NGHỆ THUẬT KHẢM TRAI TRONG CHẾ TÁC ĐỒ GỖ MỸ NGHỆ
banthovanphuc
Chủ Nhật, 21 Tháng Tám 2022
Nghề khảm trai đã xuất hiện từ lâu và được truyền thừa qua nhiều thế hệ. Đến nay, ngành nghề độc đáo này vẫn được nhiều làng nghề tổ truyền lưu giữ bởi nó mang trong mình không chỉ là giá trị kinh tế, thẩm mỹ mà còn có giá trị văn hóa truyền thống lâu đời. Vậy khảm trai là gì? Cùng Bàn Thờ Vạn Phúc giải đáp các thắc mắc về cách khảm trai trên đồ gỗ cũng như các nguyên liệu thường dùng để khảm trai phổ biến hiện nay ngay dưới đây nhé.
Khảm trai là gì?
-
Nhắc đến khảm trai, khảm xà cừ, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các bức tranh mỹ nghệ hay các món đồ nội thất mang màu sắc óng ánh với các hình thù độc đáo. Nhưng bạn có biết nguồn gốc của nghề thủ công này cùng cách thức để tạo nên những sản phẩm trên không?
-
Khảm trai hay khảm xà cừ, cẩn xà cừ là một nghề thủ công lâu đời của Việt Nam mang nhiều giá trị văn hóa, giá trị tín ngưỡng và giá trị kinh tế cao. Ngày nay, nghề khảm trai không chỉ được lưu giữ ở các làng nghề tổ truyền mà còn mở rộng ra trên khắp các tỉnh thành của cả nước.
-
Nghề này đã phát triển từ xa xưa dưới thời các vua chúa phong kiến. Theo các thần tích lưu lại thì khảm trai đã xuất hiện ở vùng hạ lưu sông Hồng từ thời vua Đinh, vua Lê với tổ nghề là Ninh Hữu Hưng. Trong khi đó, tổ nghề vùng Hà Nội sống dưới thời triều Lý, có tên là Trương Công Thành.
-
Đây là nghề thủ công mỹ nghệ cao cấp có công việc chủ yếu là chế tác các bức hoành phi, câu đối phục vụ cho các gia đình vua chúa, quyền quý. Khảm trai còn được sử dụng trên các đồ nội thất như sập gụ, bình phong, ống điếu tráp trầu, hộp thuốc… với các hoa văn được lấy từ các tích xưa được truyền lại trong dân gian.
-
Các sản phẩm khảm trai theo thời gian càng được phát triển và mang giá trị kinh tế cao được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Nguyên liệu khảm trai phổ biến
-
Để khiến nghề khảm trai Việt Nam trở nên nghề “độc quyền ở Đông Dương” thì những người thợ thủ công đã sử dụng không chỉ là kinh nghiệm, mà còn là sự tài hoa và tình cảm vào từng nét khảm. Kết hợp với khả năng biến hóa thì vẻ đẹp và màu sắc đa dạng của nguyên liệu chính là điều làm nên giá trị cho các sản phẩm.
-
Chất liệu khảm trai thường được lấy từ trai, ốc xà cừ nên còn được gọi là khảm ốc hay khảm xà cừ. Các nguyên liệu trên vô cùng dồi dào ở nước ta bởi Việt Nam là một quốc gia có địa hình trải dài dọc theo bờ biển.
-
Ngày nay nguyên liệu khảm trai dần được mở rộng hơn, không chỉ sử dụng nguồn trai, ốc trong nước mà còn được nhập khẩu từ các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia…
-
Vỏ trai được ưa chuộng là vỏ của trai ngọc môi vàng có tên khoa học là Pinctada maxima, vỏ có kích thước lớn với mặt trong có lớp xà cừ dày óng ánh. Ngoài ra, các làng nghề tổ truyền lại có các tên gọi khác nhau cho loại trai thường sử dụng như trai cửu khổng (bào ngư), diệp xù, trai cánh, trai Nông Cống…
Các loại khảm trai chủ yếu trên thị trường
-
Khảm trai có thể chia làm 2 loại lớn là khảm lên sản phẩm và khảm sơn mài. Các chất liệu chủ yếu được khảm trai là đồng, gỗ, đồi mồi, … với bề dày lịch sử lâu đời. Trong khí đó khảm trai sơn mài thì chỉ mới thịnh hành vào đầu thế kỷ XXI. Khảm trai trên gỗ là loại khảm có tuổi đời lâu nhất, sau đó bắt đầu xuất hiện khảm trai trên đồ đồng và khảm trai trên đồi mồi.
-
Nếu căn cứ vào tính ứng dụng của các sản phẩm thì có thể chia khảm trai thành hai loại lớn là đồ gia dụng và đồ thờ cúng. Đồ gia dụng là các sản phẩm được sử dụng trong gia đình hằng ngày như khay, đĩa, chén, đũa, bàn cờ, lọ hoa, sập, tủ, bàn ghế, … Đồ thờ cúng có hoành phi, câu đối, án thư, ống quyển, bao kiếm, thẻ bài, bàn thờ, tủ thờ, … Đồng thời, tùy theo nhu cầu của khách hàng mà các thợ thủ công có thể làm nên các sản phẩm đa dạng kiểu dáng và công dụng hơn.
-
Vẻ đẹp sáng rực, óng ánh tràn đầy sắc thái huyền bí cùng tuổi thọ lâu dài tạo nên vẻ đẹp vĩnh hằng và giá trị tuyệt vời “có một không hai” cho các sản phẩm khảm trai này.
Cách khảm trai đồ gỗ
-
Cách khảm trai trên đồ gỗ ở các làng nghề được truyền đời qua nhiều thế hệ. Qua năm tháng, cách thức thực hiện ngày càng được rút gọn nhưng vẫn giữ được sự tinh tế và độc đáo của mình.
-
Khảm xà cừ thường được kết hợp cùng sơn mài mỹ nghệ, các họa tiết chủ yếu là hoa lá, chim chóc, các danh lam thắng cảnh, các điển tích xưa.
-
Hiện nay, công đoạn khắc thủ công có thể thay thế bằng máy khắc laser và các loại máy móc khác. Tuy nhiên, quy trình cẩn mảnh xà cừ và hoàn thiện sản phẩm vẫn phải phụ thuộc vào đôi tay của những người thợ thủ công.
Các bước khảm trai trên gỗ, tranh phong thủy
-
Mỗi một sản phẩm khảm trai lại có một vẻ đẹp riêng, không tác phẩm nào giống tác phẩm nào. Đó là do sự tinh tế, chính xác được thể hiện qua màu sắc, hoa văn và nhất là “hồn” của bức tranh khảm trai. Để làm ra được một sản phẩm chất lượng, đẹp mắt và có hồn thì quy trình khảm trai cần được thực hiện theo từng bước một cách cẩn thận và đầy đủ.
-
Bước 1: Vẽ bản thảo, bản mẫu khảm trai
-
Để tạo nên vẻ đẹp tổng quan, cân xứng cũng như sự cân đối giữa các đồ vật, con vật … bên trong bức khảm thì đây là công việc cực kỳ quan trọng mà bất kỳ người nghệ nhân nào cũng phải thực hiện.
-
Bước 2: Chọn nguyên liệu cho sản phẩm
-
Mỗi loại trai, ốc theo chủng loại và tuổi đời khác nhau sẽ có các lớp màu sắc, độ dày mỏng khác nhau. Vì vậy, công đoạn này không cần đến sự tỉ mỉ nhưng lại đòi hỏi về dày về kinh nghiệm trong nghề để khiến bức tranh toát lên được “cái hồn” của một sản phẩm nghệ thuật.
-
Bước 3: Cắt nguyên liệu theo mẫu vẽ có sẵn
-
Đây là quy trình cực kỳ quan trọng, vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp giá trị và vẻ đẹp của sản phẩm hoàn thiện. Thợ cưa – những người thợ cắt nguyên liệu được người trong nghề gọi theo cách mộc mạc nhất – sẽ vẽ mẫu lên nguyên liệu xà cừ và cắt theo hình dáng của mẫu vẽ. Để có được những đường cắt sắc sảo, tinh tế thì những người thợ cắt này phải có bề dày kinh nghiệm từ 4 – 6 năm.
-
Bước 4: Ghép các mảnh cắt theo mẫu
-
Các miếng xà cừ sau khi cắt sẽ được ghép lại với nhau để tạo nên những hình vẽ hoàn thiện. Tùy theo mỗi cách ghép, mỗi vị trí và màu sắc của xà cừ mà sẽ ra có được những sản phẩm thô mang nét độc đáo riêng. Ở công đoạn này, các nghệ nhân cần phải thật nghiêm túc và luôn sáng tạo tạo nên các hình thù lạ mắt nhưng vẫn chi tiết như bản vẽ.
-
Bước 5: Đục lỗ trên gỗ
-
Tùy theo mỗi hình thức khảm là khảm chìm hay khảm nổi cũng như gắn xà cừ hay khảm xà cừ mà sẽ có các kỹ thuật khác nhau. Sau đó, sẽ gắn các miếng trai đã cắt lên gỗ.
-
Bước 6: Mài nhẵn, đánh bóng
-
Các miếng cắt đã được gắn trên gỗ vẫn còn rất thô sơ và có nhiều góc cạnh. Lúc này, miếng trai sẽ được mài nhẵn và đánh bóng để bề mặt trở nên uyển chuyển, mềm mại và nhẵn mịn hơn.
-
Bước 7: Tỉa đường nét, làm nổi bật đường nét và làm tinh
Để tạo nên một sản phẩm hoàn thiện, các đường nét nhỏ sẽ được tỉa lại một cách tỉ mỉ, cẩn thận đồng thời kết hợp một số phương pháp để làm nổi bật các đường nét cũng như hình vẽ và làm tinh.
Theo dòng thời gian, nghề khảm trai đã có nhiều sự thay đổi nhưng nhiều làng nghề và nhiều nơi vẫn giữ được “ngọn lửa” cũng như có sự thay đổi để phù hợp với sự phát triển của kinh tế, xã hội và văn hóa. Hi vọng qua những nội dung trên, bạn đã có được các thông tin cần thiết nhất cho mình về nghề khảm trai. Nếu bạn đang có nhu cầu mua sắm các sản phẩm khảm trai và ốc, vui lòng liên hệ đến chúng tôi qua Hotline 0946.411.999 để được tư vấn nhé.