Ý NGHĨA NHỮNG BIỂU TƯỢNG PHONG THỦY TRONG NỘI THẤT GỖ
banthovanphuc
Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 2022
Nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam vô cùng đa dạng, phong phú. Dưới bàn tay tài hoa và khối óc sáng tạo của những nghệ nhân, từng đường nét, hình vẽ dần dần được hình thành và được trau chuốt tỉ mỉ tạo nên các công trình, tác phẩm điêu khắc mang tính nghệ thuật, triết lý và cả văn hóa, phong thủy, tín ngưỡng của người xưa. Trải qua hàng ngàn năm phát triển, lưu truyền và bảo tồn, các hoa văn nghệ thuật trên đồ gỗ này vẫn được giữ nguyên ý nghĩa và giá trị của mình.
Những nét hoa văn trên đồ gỗ có xuất xứ từ đâu?
-
Ở Việt Nam, nghệ thuật tạo hình, điêu khắc hoa văn trên gỗ đã xuất hiện từ khá lâu đời. Nó được áp dụng vào mọi mặt của đời sống, từ xây dựng thiết kế nhà ở, đền thờ, đến các đình chùa làng miếu; từ các vật dụng thờ cúng mang tính linh thiêng đến cả những vật dụng sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.
-
Các hoa văn xuất hiện xuyên suốt theo chiều dài lịch sử của nước ta trong các công trình kiến trúc, điêu khắc mang theo đặc trưng của từng thời kỳ, sau đó dần được biến đổi để phù hợp với giai đoạn tiếp theo.
-
Để trả lời chính xác xuất xứ và thời kỳ xuất hiện của các hoa văn trên đồ gỗ là không dễ dàng. Từ thời tiền sử cách đây khoảng 2500 năm, đã bắt đầu xuất hiện các di vật như trống đồng, đồ tế khí mang theo các hoa văn nghệ thuật miêu tả lại cuộc sống, mong ước và thể hiện tinh thần thượng võ hoàn toàn thuần Việt.
-
Đến thời Lý, Đại Việt trở thành quốc gia độc lập, các trung tâm kinh tế, văn hóa, tôn giáo được xây dựng theo kiến trúc Á Đông chứng kiến sự hình thành và phát triển rực rỡ về kiến trúc và chạm khắc trên gỗ. Qua các thời kỳ tiếp theo, văn hóa nghệ thuật ngày càng bị chi phối, ảnh hưởng sâu sắc bởi Phật giáo khiến các hoa văn, họa tiết được đục chạm trên gỗ cũng mang dấu ấn của tôn giáo này.
-
Trải qua thời gian phát triển hàng ngàn năm, điêu khắc gỗ đạt đến đỉnh cao nghệ thuật với nguồn chất liệu sáng tạo được các nhà điêu khắc khai thác từ cuộc sống hằng ngày, cây cỏ hoa lá, chim muông và các hình tượng khác theo trí tưởng tượng của con người. Các quan niệm triết học, triết lý phương Đông về thiên nhiên, con người cũng được thể hiện súc tích qua các phương pháp tượng hình.
-
Nghệ thuật tạo hình dân gian này đa dạng về phong cách, phong phú về thể loại, giàu có về chất liệu. Mỗi một vùng miền, mỗi một phong cách, chất liệu lại mang theo một nét đẹp độc đáo riêng. Trải qua năm tháng lâu dài của lịch sử, những sáng tạo và tác phẩm ấy vẫn còn lưu giữ trọn vẹn được cái “hồn” mang tính linh thiêng và bề dày lịch sử, chính trị, văn hóa, tư tưởng… Tất cả những điều ấy đã làm nên bản sắc văn hóa dân gian mang đậm nét Việt Nam.
Hoa văn tứ linh
-
Tứ linh tức là 4 linh vật Long Lân Quy Phụng, đại diện cho 4 vị thần ở 4 phương là Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Chu Tước theo văn hóa Trung Quốc. Trong đó, mỗi loài linh vật đều mang trên mình ý nghĩa phong thủy riêng.
-
Tứ linh tượng trưng cho sức mạnh của tự nhiên, đất trời, đại diện cho 4 nguyên tố chính là nước, lửa, đất và gió. Tứ linh được sử dụng và chạm khắc phổ biến trong các công trình kiến trúc, đời sống của người Việt với mong muốn mang đến những điều may mắn, tốt lành, thuận lợi trong cuộc sống cho gia chủ.
Biểu tượng con lân
-
Con lân hay kỳ lân là một trong bốn linh vật của tứ linh theo tín ngưỡng dân gian Á Đông. Đây là sinh vật tưởng tượng báo hiệu điềm lành, tượng trưng cho sự trường thọ, bệ vệ và hạnh phúc, may mắn.
-
Theo quan niệm xưa, kỳ lân xuất hiện đồng nghĩa với sự ra đời của một vị minh quân hay hiền triết liên quan đến sự giàu có cho mọi người. Theo các câu chuyện trong văn học thì hình tượng kỳ lân gắn liền với sự may mắn về đường con cái, hòa hợp gia đình.
Biểu tượng con nghê
-
Nghê còn được gọi con Ngao, là động vật thần thoại trong văn hóa Việt Nam được biến thể từ sư tử và chó dữ. Nghê là linh vật bản địa hóa được người Việt sáng tạo và nâng lên tầm ngang hàng với tứ linh với khả năng canh giữ về mặt tinh thần, chống lại tà mà, ác quỷ.
-
Hình tượng linh vật Nghê được chạm trổ khắp các kiến trúc cung đình, làng miếu, cổng làng … đến cả các đồ dùng tế lễ, đồ nội thất để canh giữ mang lại bình an cho gia chủ.
Biểu tượng lưỡng long tranh châu
-
Hình ảnh “lưỡng long tranh châu” được xuất hiện phổ biến trên cái mái đình, đền, chùa trong các kiến trúc cổ của người Việt. Ngày nay, biểu tượng này còn được mở rộng đến các món đồ nội thất như bàn thờ, bàn ghế…
-
Rồng là loài vật đứng đầu tứ linh, là linh vật linh thiêng với sức mạnh và quyền uy to lớn, đóng vai trò giúp mưa thuận gió hòa. Ở giữa hai con rồng là viên châu âm dương với ánh lửa bùng cháy như thể hiện sự cân bằng, hài hòa về âm dương. “Lưỡng long tranh châu” biểu hiện mối giao hòa giữa hai thái cực của cuộc sống, phản chiếu giá trị nhân văn, trí tuệ và ước vọng của con người.
Ý nghĩa long phụng sum vầy
-
Long phụng sum vầy là một trong những hình ảnh mang ý nghĩa tốt lành cùng giá trị thẩm mỹ cao. Các sản phẩm được chạm trổ, điêu khắc hình ảnh này sẽ đem đến cho ngôi nhà của bạn vẻ đẹp sang trọng và đẳng cấp hiếm có.
-
Long – Phụng hay Rồng – Phượng là hai trong số 4 linh vật trong tứ linh. Trong đó, rồng là hiện thân của sức mạnh, quyền uy, phượng lại đại diện cho vẻ đẹp trang nhã, hiền dịu nết na của người phụ nữ.
-
Long phụng sum vầy là biểu tượng cho quyền lực, sức mạnh, thanh nhã và duyên dáng, sự cộng hưởng này như hình ảnh của vợ chồng, cho hạnh phúc đôi lứa, cho đường công danh sự nghiệp được thành công thuận lợi. Long Phụng sum vầy mở rộng ra còn thể hiện cho sự hiếu thảo của con cháu, mang đến cho gia đình sự sung túc, tài lộc và thành công.
Ý nghĩa cá chép
-
Cá chép là sinh vật dưới nước gắn liền với nhiều sự tích như “chép vượt vũ môn”, “cá chép hóa rồng” được dân gian truyền lại. Cá chép phong thủy bắt nguồn từ Trung Quốc, gắn với hình ảnh vượt vũ môn hóa thành loài rồng cao quý mang ý nghĩa nhân văn và để lại nhiều bài học cho các thế hệ. Cá chép biểu tượng cho sự kiên trì, bền chí, mang lại may mắn, tài lộc cho các gia đình, nhất là con đường học hành, công danh và con cái.
Ý nghĩa chữ triện
-
Các chữ cổ Trung Quốc thông dụng mang ý nghĩa tốt lành như Phúc, Lộc, Thọ, Nhẫn, An, Vạn … được nhiều người Việt yêu thích và viết theo kiểu chữ triện để làm đẹp ngôi nhà cũng như răn dạy bản thân, con cái. Mỗi chữ triện sẽ có một ý nghĩa khác nhau. Tùy theo sở thích và mong muốn mà gia chủ có thể lựa chọn để trưng bày trong nhà cho phù hợp nhất.
Biểu tượng anh hùng tương ngộ
-
“Anh hùng tương ngộ” là hình ảnh của một con hổ và một con đại bàng gặp nhau. Hổ trong quan niệm của người phương Đông là chúa tể của muôn loài, là loài vật bá chủ trên mặt đất. Đại bàng lại là bá chủ của bầu trời, với sức mạnh và sự tinh mắt, nhanh trí. Mỗi một nơi lại có một anh hùng riêng, không ai xâm phạm ai.
-
Anh hùng tương ngộ là chúa tể của đời trời gặp nhau, biểu tượng của sự quyền uy, thăng tiến, khí phách của bậc quân tử.
Ý nghĩa bát hạc quy viên
-
Theo sử sách xưa, hạc là sinh vật cao quý, trong sạch, thuần khiết đại diện cho nhân cách của người quân tử. Tranh hạc thể hiện mong muốn về sự êm ấm, hạnh phúc trong gia đình; thanh liêm, chuẩn mực trong nhân cách sống.
-
“Bát hạc quy viên” là hình ảnh 8 con hạc quây quần quanh cây tùng. Sự dẻo dai, linh hoạt, uyển chuyển trong lúc nô đùa của hạc như sự dẻo dai, kiên cường trong tính cách của loài hạc.
-
Đồng thời số 8 tượng trưng cho may mắn, phát lộc phát tài. Hạc đậu trên cây tùng là sự hạnh phúc, trường thọ. Bát hạc quy viên mang nhiều ý nghĩa may mắn, phúc lộc kể cả trong cuộc sống gia đình cũng như con đường công danh, sự nghiệp của gia chủ.
Hạc đứng trên lưng rùa
-
Theo quan điểm của người Việt xưa, rùa là loài vật biểu tượng cho sự trường tồn, sống lâu. Hạc là loài chim tiên sống thọ như một biểu hiện cho sự trường thọ. Rùa và hạc là hai loài vật rất thân nhau, cùng cứu giúp nhau qua các giai đoạn khó khăn khi trời mưa lũ và hạn hán. Hình ảnh Hạc đứng trên lưng rùa thể hiện cho lòng chung thủy, tương trợ lẫn nhau trong cơn hoạn nạn vượt qua sự khắc nghiệt của tự nhiên.
-
Hình ảnh “hạc đứng trên lưng rùa” trên bàn thờ gia tiên được sử dụng để trấn phong thủy ngăn chặn tà ma vào nhà. Đồng thời thể hiện ước mong gia đình luôn đoàn kết, trường thọ, giàu sang và phát triển thịnh vượng.
Hoa văn chạm đào
-
Xuất hiện trong thần thoại Trung Quốc ở vườn cây của Tây Vương mẫu, đào tiên như một vật phẩm mang bình an và trường sinh cho người ăn nó. Trong phong thủy, cây đào mang ý nghĩa biểu tượng sâu rộng từ cành lá đến hoa, quả.
-
Cây đào là “thần thụ tiên mộc” có khả năng áp chế tà khí, trấn trạch trừ tà nên đào mộc còn được sử dụng làm kiếm hay pháp khí trừ tà của đạo sĩ.
-
Hoa đào có thể mê hoặc đàn ông, như một loại cầu mong về tình duyên. Cây đào sum suê đầy quả, đầy lộc là tượng trưng cho sức khỏe, an lành đến gia đình.
-
Quả đào là biểu tượng của mùa xuân, của tuổi trẻ, của hôn nhân. Bày trí các vật phẩm đào phong thủy trong phòng riêng sẽ mang lại may mắn trong con đường tình duyên của chủ căn phòng. Đồng thời, đào còn là tượng trưng của tuổi thọ lâu dài, cho gia đình luôn khỏe mạnh, tránh đi bệnh tật, tai ương.
Biểu tượng ngũ phúc
-
Phúc là sự tốt lành, may mắn. Ngũ phúc bao gồm: trường thọ, phú quý, an khang, hảo đức và thiện chung, tức là tuổi thọ lâu dài, tiền tài dư giả, thân thể an khang, tấm lòng lương thiện và ra đi thanh thản, an tường. Ngũ phúc hợp lại tạo nên một cuộc sống trọn vẹn, hài hòa và hạnh phúc.
-
Hình ảnh 5 con dơi và chữ thọ được gọi là ngũ phúc vì trong tiếng Hán, con dơi đồng âm với chữ phúc sẽ đem lại thịnh vượng, thành công, chữ Thọ là sống lâu để hưởng phúc. Như vậy, dơi ngậm chữ thọ được xem là hình ảnh biểu tượng cho ngũ phúc trong phong thủy và văn hóa tâm linh.
Ý nghĩa phúc lộc thọ
-
Phúc Lộc Thọ hay Phước Lộc Thọ là hình ảnh có thể thường xuyên bắt gặp trong các tranh vẽ hay các vật phẩm điêu khắc gỗ được trưng bày trong các gia đình để cầu mong may mắn bình an.
-
Phúc Lộc Thọ là 3 điều cơ bản cho một cuộc sống tốt đẹp: may mắn tốt lành, thịnh vượng giàu có, tuổi thọ trường tồn. Mỗi điều tượng trưng cho một vị thần, được gọi chung là Tam Đa và thường đi chung. Mỗi vị đều có khuôn mặt nhân hậu, hoan hỉ. Không nên tách riêng 3 vị mà phải trưng bày, thờ chung để hạnh phúc gia đình được trọn vẹn.
Ý nghĩa biểu tượng con voi
-
Voi là loài vật quen thuộc trong văn hóa người Việt. nhất là vùng Tây Nguyên. Voi theo tiếng Hán là “tượng”, đồng nghĩa với “thừa tướng” là chức quan chỉ đứng sau vua. Vì vậy, voi thể hiện cho sức mạnh, quyền lực, khả năng phán đoán và tài năng lãnh đạo.
-
Theo phong thủy, đặt tượng voi trong nhà sẽ tạo sự hài hòa cho ngôi nhà, tránh được các luồng tà khí gây ảnh hưởng không tốt đến vận khí của gia chủ. Voi cũng gắn liền với khả năng sinh sản rất tốt cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Voi trong điêu khắc gỗ mang lại sự bình an, hòa thuận cho gia đình, giảm các xung đột, cãi vã đồng thời hút vận may cho cuộc sống, công việc của gia chủ thêm suôn sẻ.
Chạm đồng tiền
-
Tiền xu hay đồng xu phong thủy là vật phẩm phong thủy được nhiều người trưng bày trong nhà, nơi làm việc… với mong muốn chiêu tài, đón lộc, tạo sự thuận lợi, phát đạt trong buôn bán làm ăn.
-
Tác dụng chính của tiền xu là tăng vận khí, chiêu tài đón lộc, trấn yểm, bảo vệ gia chủ. Tiền xu được chạm đục trên các món đồ nội thất gỗ giúp gia tăng khả năng thu hút tiền bạc, mang lại may mắn về tài lộc và xóa bỏ vận đen, tai họa bất ngờ đẻ mang lại bình an trong cuộc sống.
Ý nghĩa mã đáo thành công
-
“Mã đáo thành công” có nghĩa là “ngựa về sẽ thành công hay “có ngựa ắt sẽ thành công”. Trong thời phong kiến, ngựa là sinh vật di chuyển chủ yếu với khả năng chạy nhanh, sức bền, thông minh và trung thành. Trong các chuyến làm ăn xa hay trận chiến, “mã đáo” là ngựa quay về, hình ảnh ẩn dụ cho sự thành công của người lính hay thương nhân.
-
Trong phong thủy, “mã đáo thành công” đại diện cho sự phát đạt về tiền tài, thăng tiến về danh vọng, rất thích hợp với người hay đi công tác xa, thường xuyên bôn ba qua lại.
Chim hạc và cây tùng
-
Tùng và hạc đều là những đề tài quen thuộc đối với nhiều người, nhất là những người kinh doanh hay trong các gia đình. Tùng là một trong tứ quý, loài cây quân tử sống bền bỉ có khả năng xua đuổi tà khí, ma quỷ đem lại sự bình yên cho gia chủ.
-
Hạc là loài chim tiên cao quý sống trường thọ mãi với thời gian. Hạc và tùng được điêu khắc trong một khung tranh mang ý nghĩa cao quý, phong thủy to lớn hiện diện cho sự thanh cao và vĩnh cửu, giàu sang, thịnh vượng mang đến sức khỏe, bình an cho cả nhà.
Vậy là bạn đã cùng Bàn Thờ Vạn Phúc tìm hiểu ý nghĩa của các hoa văn phổ biến được sử dụng trong chạm khắc đồ gỗ rồi. Hi vọng qua đây, bạn sẽ có được những thông tin cần thiết nhất cho mình trong quá trình tìm kiếm, lựa chọn các sản phẩm đồ gỗ cho gia đình để vừa đảm bảo giá trị thẩm mỹ vừa có ý nghĩa phong thủy tốt lành.